Saturday, March 1, 2014

Café sáng thứ 7 (#25): Sập cầu, đuổi thầy và phát ngôn của bộ trưởng


1. Vụ việc được dư luận xôn xao nhất trong tuần là vụ tai nạn tại cầu treo Chu Va tỉnh Lai Châu khiến 8 người thiệt mạng và 37 người bị thương. Tại hiện trường, neo cáp treo của cầu bị gãy làm đôi, và đây là lý do dẫn đến tai nạn.
Nguyên nhân dẫn đến neo cáp bị gãy vẫn được các cơ quan chức năng điều tra. Dư luận thì chín người mười ý. Người thì cho là do quá tải, người thì cho là cộng hưởng, người thì cho là bớt xén vật liệu nên chất lượng không đảm bảo, người cho là lỗi kỹ thuật. Thậm chí, có người còn cho là linh hồn người chết giận nên gây sập cầu.
Trên báo chí, anh thiếu tướng giám đốc công an Lai Châu nhận định nguyên nhân ban đầu là do “quá tải và có hiện tượng cộng hưởng khi đoàn người đưa tang cùng đi trên cầu”, và cho rằng cộng hưởng xảy ra vì “Vì người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh”. Anh thiếu tướng này cũng cho rằng, chưa thể khẳng định do làm ẩu, hoặc thi công không đúng.
Những người lái xe tải thường truyền nhau kinh nghiệm: "Cầu nhân ba, phà nhân đôi". Nghĩa là tải trọng xe gấp 3 lần tải trọng cầu thì có thể chạy vô tư qua cầu. Với lại, tải trọng của cable thép và các kết cấu liên hệ với dây cáp thường lớn hơn nhiều lần so với tải trọng thực tế của cầu (ở châu Âu bắt buộc chọn hệ số an toàn là 10). Thế nên, chỉ khoảng 50 người trong đám tang đi qua cầu thì khó mà thuyết phục được dư luận là tai nạn do quá tải. Mặt khác, nhiều người có chuyên môn cũng nêu trên các diễn đàn mạng rằng, khó mà có cộng hưởng đến mức gây đứt cáp.
Nhìn cái neo cáp bị gãy, những người dù không có chuyên môn kỹ thuật cũng có thể nhận ra rằng neo cáp được gia công quá sơ sài. Và các công đoạn gia công để hình thành neo cáp chắc chắn đã làm thay đổi lý tính và cơ tính của thanh thép làm neo cáp. Và để xác định neo cáp này có đảm bảo tải trọng lẫn tiêu chuẩn kỹ thuật hay không thì quá đơn giản.
Nguyên nhân cụ thể sẽ được cơ quan chức năng công bố trong nay mai. Tuy nhiên, ở An-nam, vấn đề hoa hồng cho chủ đầu tư, chi phí cho giám sát, rút ruột công trình,… không còn là điều gì mới mẻ. Thậm chí đã được nêu cả trên nghị trường khi các ông bà nghị nói về chất lượng công trình.
Giả sử nguyên nhân xác định không phải là do quá tải và cộng hưởng như các quan chức nhận định ở trên. Vậy lỗi sẽ thuộc về ai? Thiết kế, thẩm định, thi công hay giám sát? Và có hay không trách nhiệm của chủ đầu tư?
Đôi khi, có những lý do rất phức tạp được sử dụng để trả lời những câu hỏi đơn giản, thuần túy về kỹ thuật!!!


2. Cũng liên quan đến vụ việc này, một fanpage trên FB về thế giới tâm linh cho rằng vì người chết nổi giận do thay người cầm di ảnh nên đã gây tai nạn nói trên. Chỉ trong vài ngày, status này đã có tới hơn 3.800 người thích, hơn 1.600 phản hồi và gần 900 lượt chia sẻ.
Vấn đề tâm linh có hay không, đúng hay sai thì người viết không lạm bàn. Cái gì khoa học chưa chứng minh rõ ràng thì vẫn là một điều bí ẩn. Có điều, với cần-lao An-nam, sự mê tín dị đoan đã ăn sâu vào tiềm thức. Xứ này luôn thích những câu chuyện kỳ quái hoang đường, thích sử dụng các thế lực siêu nhiên để giải thích sự vật hiện tượng. Không chỉ đơn thuần trong cần-lao xã hội mà có trong cả chính sử.
Thế nên mới có chuyện bà Âu Cơ đẻ trăm trứng, ông Thánh Gióng bay lên trời, anh Thạch Sanh có nồi cơm ăn mãi không hết, chị Tấm hết hóa quả thị đến chim vàng anh. Thậm chí, những sự vật tồn tại ngay trước mặt con người, như đòi suy tôn con rùa đầu đen ao Gươm lên thành linh thú, bần-nông giẫm đạp để cướp ấn đền Trần,…
Mà giả sử linh hồn người chết kia nổi giận thật, chả có lẽ lại hại người thân của mình. Vì những người đi đưa tang đều là máu mủ ruột rà trong gia đình, anh em họ mạc, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp. Ấy thế mà mấy nghìn người nhao nhao vào tán dương, ủng hộ vấn đề này mới tài.
Cũng giả sử có linh hồn thật, và giả sử người ta xác định nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật. Vậy thì oan hồn của 8 người chết do tai nạn có về vật chết anh thiếu tướng chém gió nói trên lẫn những kẻ đã tham ô, tham nhũng, rút ruột công trình dẫn đến tai nạn đáng thương kia không nhỉ?
Mà biết đâu, có nguyên nhân tâm linh được đưa ra trong nhóm nguyên nhân gây tai nạn!!!


3. Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định đã có kết quả xử lý kỷ luật vụ thầy trò đánh nhau trong lớp. Theo đó, thầy bị sa thải khỏi ngành, trò bị cảnh cáo trước toàn trường.
Anh Phó sở GD&ĐT cho rằng kết quả kỷ luật đã được “xem xét có tình, có lý” và giải thích cho lý do đuổi thầy giữ trò là do thầy sai trước. Có thể anh này đã từng một thời đứng lớp. Và có thể, khi ngồi ghế phó sở, anh ta đã quên mất những ngày chập chững khi tập cầm phấn.
Bốn năm học đại học bị vứt xuống sông, xuống bể. Dĩ nhiên chẳng đi dạy thì đi làm cái khác. Xã hội chả thiếu việc để làm. Với anh thanh niên trẻ này, âu cũng là cái liễn!
Thế nhưng, đây sẽ là tiền lệ cực xấu cho ngành giáo dục nói riêng và xã hội An-nam nói chung. Rồi đây, những thế hệ học sinh đánh thầy cô sẽ ra đời, những thế hệ học sinh thích chửi mắng thầy cô sẽ ra đời. Và để giữ nồi cơm của mình, sẽ có một trào lưu các thầy cô khoanh tay cúi đầu xin lỗi học sinh mất dạy.
Và rồi, sự vô cảm lẫn sự thiếu trách nhiệm của thầy cô sẽ được hình thành. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ còn những người thợ dạy như một con rô-bốt, không còn tình thương yêu học sinh lẫn tâm huyết nghề nghiệp. Khái niệm “dạy dỗ” sẽ được vứt ra khỏi từ điển của ngành giáo dục.
Giáo dục là cơ sở, là nền tảng để xây dựng một đất nước văn minh và hùng mạnh. Khi những người cầm phấn đứng lớp bị sỉ nhục về lòng tự trọng nghề nghiệp và khi những đạo lý trong giáo dục bị đảo ngược thì không bao giờ có được một nền giáo dục tiên tiến. Nghĩa là, cần-lao An-nam khó mà rũ bỏ thói man di mọi rợ để bước vào thế giới văn minh được.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho tương lai của dân tộc???


4. Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào vừa được thành lập do thủ tướng làm chủ tịch. Ở An-nam, thường khi thành lập một ủy ban tầm quốc gia có nghĩa là vấn đề đó đã trở nên rất nghiêm trọng. Tỷ dụ như phòng chống tham nhũng, dân số, an toàn giao thông,…
Trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận đề nghị Bộ Nội vụ lập đề án đổi mới tuyển dụng công viên chức vì “những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước”.
Ông Luận là người rất hay có những câu phát biểu “lăng nhăng” như lời vè của dân gian. Hơn nửa nhiệm kỳ bộ trưởng trôi qua, với mục tiêu “không tạo dấu ấn cá nhân”, ông Luận đã ra một seri phát ngôn “bất hủ”. Từ “hàng nghìn điểm 0 (môn Sử) là bình thường” đến “trận đánh lớn, xứng tầm cách mạng trong giáo dục”, từ “tôi đang rất buồn” khi nhận kết quả phiếu tín nhiệm đến “nếu không thay đổi được… thì thay đổi nhân sự”, từ “không thể để mèo già hóa cáo trong giáo dục” đến “chưa phát hiện trường nào bán bằng giả”,…
Làm tư lệnh ngành giáo dục, không xử lý được tình trạng học giả bằng thật đến mức tràn lan các loại học hàm học vị dởm mà lại đi nhờ bộ khác loại bằng giả, bằng dởm. Thế có khác nào một ông bố có đứa con ăn cắp vặt, đáng ra không dạy bảo được thì đưa vào trường giáo dưỡng, đàng này mồm vừa nói con tôi ngoan rồi nhưng lại nhắc ông hàng xóm đóng cửa cho chặt kẻo mất cắp.
Trong khi những vấn nạn học giả bằng thật, thầy đứng nhầm lớp trò ngồi nhầm chỗ, trường đại học mở tràn lan, thầy cô làm bài hộ học sinh thi tốt nghiệp để lấy thành tích, mầm non bạo hành trẻ em,… không được giải quyết. Thầy trò vùng cao cơm không có thịt mà ăn, trường không đủ lớp mà dạy. Thầy trò thành phố thì dạy thêm học thêm ầm ĩ. Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, hết thầy đánh trò đến trò đánh thầy, hết trò đánh trò đến trò đánh phụ huynh. Sách giáo khoa bao năm cải cách vẫn mãi tranh cãi chữ a đứng trước hay chữ e đứng trước.
Thôi thì giáo dục An-nam đã nát như tương từ lâu, ông Luận có ba đầu sáu tay cũng chả thay đổi được tất cả. Nhưng chả làm được nhiều thì cũng cố làm được ít để hậu thế lưu danh chứ. Đàng này, chưa thấy ông làm được điều gì có tính thay đổi hay đột phá cả, mà chỉ làm cho nát thêm mà thôi. Đã thế lại còn phát ngôn những câu nói vừa thiếu thực tế, vừa thiếu tâm huyết, vừa thiếu trách nhiệm như thế.
Vẫn dân gian, có câu: Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!!!


5. Lâu nay ở An-nam, vấn đề trách nhiệm luôn là sự xa xỉ. Thành tích thì được dành cho cá nhân, nhưng lỗi lầm thì thuộc về tập thể. Một xã hội chỉ phát triển khi từ thượng tầng quản lý đến hạ tầng cần-lao xác định rõ vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Khi mọi nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, yếu kém lẫn thiệt hại xã hội bị quy về thằng cơ chế thì cần-lao khó mà mong chờ một sự sòng phẳng và công bằng trong xã hội.
Bởi vì, khi người ta đã đứng được trên cao, thường có thói quen nhìn vào mặt người khác chứ ít ai tự soi gương nhìn lại mặt mình.
Bi kịch của cần lao An-nam chính là điều đó!!!

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!